Lịch sử hoạt động HMAS Perth (D29)

Phục vụ cùng Hải quân Hoàng gia

Khi được đưa ra hoạt động, Amphion đã phục vụ tại vùng biển Caribbe, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương trong thành phần Trạm Bắc Mỹ và Tây Ấn.[6]

Thuộc sở hữu Australia

Vào năm 1939, Amphion được bán cho chính phủ Australia, và đưa vào hoạt động cùng Hải quân Hoàng gia Australia tại Portsmouth vào ngày 29 tháng 6 năm 1939; nó được đổi tên thành HMAS Perth vào ngày 10 tháng 7 năm 1939 bởi Công chúa Marina, Nữ Công tước xứ Kent, trở thành chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên theo thành phố Perth, Western Australia..[6] Thủy thủ đoàn của nó được thành lập dựa trên nhân sự của chiếc HMAS Adelaide, vốn đã được đưa về lực lượng dự bị một tháng trước đó.

Trong chuyến đi đầu tiên quay trở về Australia, Perth được sử dụng như là đại diện cho quốc gia mới này tại cuộc Hội chợ Quốc tế New York 1939.[6] Nó về đến vùng biển Australia vào tháng 3 năm 1940.[6]

Chiến tranh Thế giới thứ hai

Vai trò đầu tiên của Perth trong chiến tranh là tuần tra và hộ tống các đoàn tàu vận tải tại vùng biển nhà.[6] Vai trò này kéo dài cho đến tháng 11 năm 1940, khi nó được gửi sang chiến trường Địa Trung Hải[6] để thay phiên cho tàu tuần dương chị em Sydney, nơi nó đã có mặt trong Trận chiến mũi Matapan.

Vào tháng 3 năm 1941, Perth hỗ trợ các hoạt động tăng viện cho Hy Lạp của lực lượng Đồng Minh, và sau đó là việc triệt thoái khỏi nước này vào tháng 4.[6] Chiếc tàu tuần dương cũng tham gia trận Crete trong tháng 4tháng 5.[6] Đến tháng 6tháng 7, nó hoạt động chống lại lực lượng Vichy Pháp tại Syria trước khi quay trở về Australia vào tháng 8 để tái trang bị.[6] Khi hoàn tất, nó lại được sử dụng trong việc hộ tống các đoàn tàu vận tải tại vùng biển nhà cho đến đầu năm 1942.[6]

Vào ngày 14 tháng 2 năm 1942, dưới quyền chỉ huy của Đại tá Hải quân Hector Waller, Perth di chuyển cùng với một đoàn tàu vận tải gồm những tàu chở dầu rỗng đi đến Đông Ấn thuộc Hà Lan: phe Đồng Minh tìm cách lấy lại số lượng dầu mỏ càng nhiều càng tốt trước khi Nhật Bản xâm chiếm được quần đảo này.[6] Tuy nhiên, đang trên đường đi, các tàu chở dầu được lệnh quay trở lại Australia, còn Perth được gửi đến để gia nhập Hạm đội ABDA, một lực lượng hỗn hợp của các nước Hoa Kỳ, Anh, Hà Lan và Australia.[6] Nó đi đến Tanjong Priok vào ngày 24 tháng 2, rồi tiếp tục đi đến Surabaya ngày hôm sau, nơi nó gặp gỡ Hạm đội ABDA (bao gồm bốn tàu tuần dương khác và chín tàu khu trục).[6] Nhận được báo cáo về một đoàn tàu vận tải Nhật Bản, bao gồm tám tàu tuần dương, 12 tàu khu trục và 30 tàu vận tải, đang băng qua eo biển Makassar hướng đến Surabaya, Hạm đội ABDA, dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Đô Đốc người Hà Lan Karel Doorman bên trên tàu tuần dương HNLMS De Ruyter, lên đường đối đầu với chúng.[6] Các tàu chiến Nhật Bản bị phát hiện vào lúc xế trưa ngày 27 tháng 2, và các tàu chiến Đồng Minh đã nổ súng, khi Perth bắn cháy một tàu tuần dương Nhật Bản trong loạt đạn thứ hai.[6] Lực lượng bị tách ra khi tàu tuần dương Anh Exeter bị vô hiệu hóa, rồi lại quay trở lại đối đầu; trong đó, các tàu tuần dương Hà Lan HNLMS De Ruyter và HNLMS Java bị đánh chìm bằng ngư lôi.[6] Perth cùng với tàu tuần dương Hoa Kỳ Houston trở thành những tàu chiến lớn Đồng Minh duy nhất sống sót qua Trận chiến biển Java, và đã rút lui về Tanjong Priok, đến nơi vào ngày 28 tháng 2.[6] Hai con tàu chiến tìm cách để được tiếp tế, nhưng việc thiếu hụt nhiên liệu khiến cho Perth chỉ nhận được phân nữa trữ lượng nhiên liệu thông thường, và hai con tàu chỉ có được số đạn dược để dành lại từ ngày chiến đấu hôm trước.[9] Perth, Houston và tàu khu trục Hà Lan Everston được lệnh rút lui về Tjilatjap ngang qua eo biển Sunda.[9]

Bị mất

Tập tin:AWM ART24483 HMAS Perth.jpgBức tranh HMAS Perth chiến đấu đến cùng, 28 tháng 2 năm 1942, của sĩ quan họa sĩ Murray Griffin. Nó được vẽ khoảng năm 1942-1943 tại Nhà tù Changi, Singapore, nơi những người còn sống sót của HMS Perth và Griffin bị giữ như là tù binh chiến tranh.

Perth và Houston lên đường vào lúc 19 giờ 00, trong khi Everston bị chậm trễ, và chiếc tàu chiến Australia dẫn trước đội hình.[9] Eo biển Sunda được tin là không có sự hiện diện của tàu chiến đối phương,[9] nhưng khi đi gần đến St. Nicholas Point, Perth phát hiện ra một con tàu; và khi nhận biết đó là một tàu khu trục Nhật Bản, chiếc tàu chiến Australia liền nổ súng.[9] Tuy nhiên, vào lúc đó, nhiều tàu khu trục Nhật xuất hiện và bao vây hai con tàu Đồng Minh.[9]

Đến nửa đêm, khi đạn pháo đã cạn, Thuyền trưởng Đại tá Waller ra lệnh tìm cách phá vòng vây để rút lui; nhưng con tàu liên tiếp bị đánh trúng bốn quả ngư lôi, buộc những người còn sống sót phải bỏ tàu.[9] Perth lật úp qua mạn trái và chìm lúc 00 giờ 25 phút ngày 1 tháng 3 năm 1942. Houston trúng ngư lôi và chìm không lâu sau đó.[10] Tổn thất nhân sự của Perth là 353 người thiệt mạng (bao gồm ba nhân sự Không quân Hoàng gia Australia và một nhân viên dân sự); bốn thủy thủ khác tử thương trên bờ.[10] Trong số những người sống sót, 106 người đã qua đời trong khi bị giam giữ như tù binh chiến tranh, bao gồm một nhân sự Không quân Hoàng gia, trong đó 38 người thiệt mạng do các cuộc không kích Đồng Minh vào các con tàu địa ngục.[11]. Khi chiến tranh kết thúc, 218 người còn lại đã được hồi hương trở về Australia.[10]

Thành tích phục vụ trong chiến tranh của con tàu tuần dương được ghi nhận qua việc được tặng thưởng tám Vinh dự Chiến đấu: "Đại Tây Dương 1939", "Malta 1941", "Matapan 1941", "Hy Lạp 1941", "Crete 1941", "Địa Trung Hải 1941", "Thái Bình Dương 1941-1942" và "Eo biển Sunda 1942".[12][13]